Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius dành cho PV một cuộc phỏng
vấn riêng trước chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
và ngay sau hàng loạt sự kiện ngoại giao quốc phòng song phương nổi bật
gần đây.
* Nhiều người rất quan tâm đến chuyến thăm Mỹ sắp tới của
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đại sứ có thể cung cấp những thông tin
gì về chuyến thăm quan trọng này?
– Đại sứ Ted Osius: Tôi không phải là người phù hợp để thông báo về
thời gian chuyến thăm. Cơ quan chức năng hai nước sẽ công bố ngày giờ
chính thức. Tuy nhiên, những gì tôi có thể tiết lộ là Mỹ đang chuẩn bị
cho chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vài tuần tới.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được đón tiếp trọng thị. Nếu
chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư thành công, đó sẽ là thành tựu lớn nhất
mà tôi đạt được trên cương vị đại sứ ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện
tại.
Đó là chuyến thăm mang tính lịch sử và cực kỳ quan trọng vì nó cho thấy mối quan hệ của hai nước tiến xa như thế nào.
* Gần đây có nhiều cuộc gặp giữa quan chức quân sự cấp
cao hai nước như cuộc hội kiến giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton
Carter và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Hà Nội,
các cuộc làm việc của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với phía Mỹ bên lề
Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Đại sứ nhận định như thế nào về triển
vọng thương mại quốc phòng giữa hai nước?
– Tuyên bố tầm nhìn chung mà bộ trưởng quốc phòng hai nước ký kết vào
ngày 1-6 có bao gồm cam kết tăng cường thương mại quốc phòng. Tuy
nhiên, như tôi được biết, cho đến giờ vẫn chưa có cam kết cụ thể nào.
Phía Việt Nam đang đánh giá nhu cầu của mình. Việt Nam đang tỏ ra rất
cẩn trọng trong việc chi nguồn lực hạn chế của mình cho các quyết định
quốc phòng chiến lược. Việt Nam có thể chọn nhà cung cấp hệ thống quốc
phòng và dù chọn ai đi nữa, chúng tôi vẫn sẽ giới thiệu tất cả các
phương án có lợi cho phía Việt Nam.
* Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với báo Tuổi Trẻ,
thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết Việt Nam mong muốn Mỹ đóng góp bảo
đảm hòa bình lâu dài trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế vì lợi
ích hai nước. Trên thực tế, khả năng đó ra sao?
– Dù quan hệ quốc phòng hai nước vẫn còn trong giai đoạn đầu nhưng
chúng ta vẫn có thể làm sâu sắc thêm. Theo biên bản ghi nhớ hợp tác quốc
phòng Việt – Mỹ năm 2011, hai nước hợp tác trong năm lĩnh vực chính bao
gồm các cuộc đối thoại cấp cao, hợp tác an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn,
các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc và hỗ trợ nhân đạo.
Bây giờ, tuyên bố tầm nhìn chung tạo cơ hội cho hai nước thúc đẩy quan
hệ quốc phòng nhiều hơn.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đề xuất các
nước chấm dứt các hoạt động bồi đắp đảo và quân sự hóa, đồng thời kêu
gọi sử dụng kênh ngoại giao để giải quyết tranh chấp và hạ nhiệt căng
thẳng.
Tôi nghĩ phía Việt Nam hoan nghênh biện pháp này. Ngoài ra tôi cũng
muốn chia sẻ rằng tất cả chín trụ cột trong quan hệ đối tác toàn diện
Việt – Mỹ đều đạt sự tiến bộ. Tôi luôn tìm cách thúc đẩy sự hợp tác ở
tất cả trụ cột.
* Mới đây, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ gói hỗ trợ điều chỉnh
thương mại (TAA). Việc bỏ phiếu trao quyền xúc tiến thương mại (TPA) cho
Tổng thống Obama sẽ phải còn chờ đợi các vận động hành lang. Như vậy,
triển vọng ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)
sẽ ra sao?
– Quá trình đàm phán để kết thúc TPP sẽ kéo dài hơn so với kỳ vọng.
Nhưng tôi vẫn lạc quan cho rằng TPP sẽ được ký kết trong năm nay.
Tôi muốn chia sẻ thêm rằng mới đây khoảng 2 tấn vải của Việt Nam đã
được chuyển sang Mỹ. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Và khi TPP được
hoàn tất, quan hệ thương mại hai nước sẽ tăng cao nhiều hơn nữa.
* Đại sứ có thể nói gì về những hoạt động kỷ niệm 20 năm
bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước sắp tới (11-7-1995 –
11-7-2015)?
– Chúng tôi không giới hạn tổ chức sự kiện trong một tháng hay một
nơi. Chúng tôi tổ chức mỗi tháng ở khắp Việt Nam. Sắp tới sẽ có những
chuyến thăm cấp cao giữa hai nước. Ở Mỹ cũng sẽ có những hoạt động kỷ
niệm quy mô lớn. Chúng tôi coi ngày kỷ niệm quan trọng này là cơ hội
tăng cường quan hệ hai nước và tạo tầm nhìn cho tương lai.
0 Comments