Chạm đến trái tim kiều bào

“Điều mà tôi xúc động là bà con luôn có cái tâm đau đáu về quê hương, đất nước. Dù ở nơi giàu có, thịnh vượng hay nơi vất vả, đói nghèo họ vẫn luôn tâm niệm: Chim có tổ, người có tông, tuy cách nghìn trùng không mờ nhạt tổ tông Hồng Lạc”.

     Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đi thăm và tặng quà lớp học tiếng Việt tại Kamponh Khleng - Biển Hồ, Campuchia
    Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) đã chia sẻ như vậy khi nhớ lại hành trình đến với cộng đồng người Việt ở nước ngoài mà ông trải qua trong năm 2015. Chúng tôi cảm nhận được rằng, đằng sau những chuyến đi ông nhớ tới từng chi tiết, đằng sau những hình ảnh ông nhấn mạnh tới hai, ba lần là nỗi day dứt, làm sao để mang lại cuộc sống tốt hơn cho kiều bào còn nhiều khó khăn…
    Từ ánh mắt trẻ thơ vùng Biển Hồ
    Campuchia là một trong những điểm đến để lại ấn tượng sâu đậm với Thứ trưởng Vũ Hồng Nam. Ông vô cùng xúc động khi chứng kiến nỗi cơ cực của bà con vùng Biển Hồ. Theo lời kể của ông, đa phần người Việt đều sống lênh đênh trên những chiếc thuyền hoặc nhà bè. Những “nhà nổi” di động đó hoàn toàn không có điều kiện sinh hoạt tối thiểu của đời sống hiện nay như điện, tivi hay báo đài... Nước uống và nước sinh hoạt cũng từ chính hồ nước khi đục khi trong ấy. Trẻ em sinh ra và lớn lên trên những chiếc bè, bất chấp nắng mưa, chẳng biết đến hệ thống chăm sóc y tế hay bảo hiểm…
    “Nhìn những ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên của các cháu đang bi bô đánh vần tiếng Việt trên những chiếc bè như vậy, tôi cố kìm để không bật lên tiếng nấc”, Thứ trưởng nghẹn ngào nói...
    Khó khăn là vậy, nhưng bà con luôn hướng về đất nước, vẫn nhớ vùng quê ở Việt Nam mà hàng chục năm qua, họ chưa trở lại. Họ say sưa kể với Thứ trưởng những câu chuyện khi còn sống trong nước...
    Ông thực sự trăn trở về ánh mắt sáng ngời của các cháu bé khi nói ước mơ được về Việt Nam: “Khi tôi hỏi: Các cháu có muốn về thăm Việt Nam không thì các cháu đều đồng thanh trả lời: Có ạ”.
    Mặc dù cuộc sống cơm chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm nhưng bà con vẫn tập hợp các cháu, tổ chức các lớp học tiếng Việt trên bè nổi. Giáo viên hoàn toàn là tình nguyện, không có thù lao. Sách chủ yếu do các cô tự sưu tầm, chuyền tay qua nhiều lần nên không còn lành lặn. Có nơi các cô phải tự soạn “giáo trình” riêng. Vở thì thật sự thiếu thốn…
    Vị lãnh đạo Ủy ban thực sự bị lay động trái tim trước ý chí duy trì nguồn cội Việt của bà con. Ông tâm niệm phải hỗ trợ bà con nhiều hơn, xây thêm các lớp học nổi để những đứa trẻ có môi trường học tập tốt hơn, hướng về cuộc sống tươi đẹp hơn ở phía trước. Và các chương trình như Trại hè có thể mở rộng đối tượng tham gia, dành cho các cháu thiếu nhi với nhiều hoạt động bổ ích hơn…
    Đến hình ảnh giếng nước, cây cau đất Thái
    Đến với kiều bào Việt Nam tại Thái Lan, điều khiến Thứ trưởng ấn tượng chính là nỗ lực gìn giữ, phát huy văn hóa Việt trong cuộc sống. Bà con ở đây chủ yếu là thế hệ thứ ba hay thứ tư bởi người Việt Nam di cư sang Thái Lan từ những năm thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam. Năm tháng qua đi nhưng dường như hình ảnh và văn hóa Việt vẫn không phai mờ trong họ. Ông kể rằng ở đây, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của giếng nước, cây cau, cây khế, văn hóa làng xã, quan hệ gia đình, tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt vẫn được duy trì tốt, trẻ em rất có ý thức học tiếng Việt...
    Đặc biệt, bà con có một tấm lòng kính yêu Bác Hồ rất sâu đậm. Các gia đình người Việt đều trang trọng treo ảnh Bác trong nhà mình. Cộng đồng đã tự quyên góp xây dựng ba trung tâm tưởng niệm Bác cũng như luôn tự hào kể cho nhau nghe chuyện cây khế Bác trồng khi xưa vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở cho những trái ngọt...
    Một nét đặc sắc nữa là bà con sống theo tổ chức rất chặt chẽ, theo các chi hội từ tỉnh tới thành phố, có cả hội của doanh nghiệp kiều bào riêng. Hàng năm, bà con thường xuyên tổ chức những lễ hội Việt và ông rất ngạc nhiên trước tính chuyên nghiệp của các tiết mục văn nghệ.
    “Các chàng trai, cô gái người Việt thế hệ thứ tư, thứ năm tổ chức những buổi diễn, hát ca khúc dân ca Việt Nam, múa nón, hát quan họ, hát chèo rất hay và đẹp. Điều thú vị là họ tự học qua tivi, qua mạng Internet thôi đấy”, ông nói. Thật sự bất ngờ khi các cô gái Việt múa nón trong nền nhạc Thái Lan hoặc các điệu múa Thái trên nền dân ca quan họ... Theo ông, người Việt ở Thái chính là những sứ giả kết nối hai nền văn hóa có nhiều tính đặc thù riêng biệt.
    Thứ trưởng kể lại khi ông tới ngôi làng Thà U Thê, người dân đưa ông tới một ngôi chùa mang phong cách rất Việt dù tọa lạc ở nơi có nền văn hóa khác biệt. Người dân Thái tự hào khi có một ngôi chùa Thái do người Việt xây với họa tiết đặc trưng Việt như hình con rồng, con phượng...
    Và “thương hiệu” Việt tại Angola và New Caledonia
    Từ châu Á sang châu Phi, ở đất nước giáp bờ Đại Tây Dương – Angola, cộng đồng người Việt có khoảng 60 nghìn người, Thứ trưởng cho biết họ vẫn duy trì được văn hóa giống nòi. Người dân Angola tự hào khi chính người Việt xây nhà, xây bệnh viện cho họ. Các cửa hàng của người Việt có chất lượng phục vụ và uy tín cao. Đặc biệt, theo Thứ trưởng, hàng hóa Việt tiếp cận thị trường Angola rất tốt. Khẩu hiệu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, người Việt Nam ra nước ngoài bán hàng Việt Nam” được thể hiện rất rõ ở đây...
    Thứ trưởng cũng tới thăm kiều bào tại quốc đảo New Caledonia, nằm phía Nam Thái Bình Dương. Quốc đảo xa xôi đó có khoảng 6 nghìn kiều bào ta sinh sống và đây có lẽ là cộng đồng người Việt hình thành sớm nhất được ghi chép lại. Người Việt tới đây khoảng cuối thế kỷ XIX trong thời kỳ Pháp tuyển mộ phu mỏ và được gọi là người Chân Đăng. Người dân nơi đây rất coi trọng người Chân Đăng bởi họ đã tạo nền tảng phát triển của quốc đảo này.
    Cộng đồng người Việt tại New Caledonia được đánh giá là nơi văn hóa Việt được duy trì gần như nguyên bản. Mặc dù thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba nhưng họ đều có thể nói tiếng Việt, vẫn duy trì tập tục làng xã, mọi người xúm tay góp công khi nhà ai có việc cần, hiếu hỉ, giỗ chạp; tổ chức ngày nhớ về đất mẹ Việt Nam, ăn Tết Nguyên đán… Kiều bào ta thành lập hội Ái hữu Việt Nam, hội Phật tử, hội Công giáo, các hội gắn kết với nhau như một và không có sự phân biệt về tôn giáo.
    Không thể nhớ và kể hết những hành trình Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đến thăm kiều bào. Mỗi chuyến đi không chỉ làm giàu thêm góc nhìn của nhà ngoại giao kỳ cựu này mà càng thúc đẩy ông cùng đồng nghiệp làm nhiều hơn nữa, bởi lẽ còn rất nhiều người Việt ngoài biên giới Việt Nam cần hơn nữa những nhịp cầu hướng về Tổ quốc…

    Post a Comment

    0 Comments