Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định
Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chọn chính nghĩa thay
vì chọn bên, khi phát biểu tại Trung tâm CSIS ở Washington.
Phát biểu hôm nay tại Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, một trong những cơ quan
nghiên cứu hàng đầu của Mỹ về chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc
tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển vượt bậc
sau gần ba thập niên bình thường hóa quan hệ.
"Mối quan hệ đó đã đơm hoa kết
trái với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự
cảm thông, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai quốc gia, hai
dân tộc và nhân dân hai nước mong muốn và hướng tới", ông nói.
Theo ông, thế giới đang đứng trước
thời điểm khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nguy cơ chiến tranh, bất ổn
gia tăng, kinh tế thế giới gặp nhiều rủi ro, trong khi cạnh tranh, đối đầu đang
dẫn đến sự phân tách cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Những thách thức an
ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến các quốc gia và những nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát
triển bền vững đến 2030 của Liên Hợp Quốc.
Theo Thủ tướng, mỗi quốc gia cần
hành xử có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của
chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc
lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị mà mỗi
nước đã lựa chọn và được nhân dân ủng hộ, đóng góp vào công việc chung của cộng
đồng quốc tế tùy theo khả năng.
Thủ tướng cho rằng ASEAN là một
minh chứng về giá trị của chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong góp phần giải
quyết những vấn đề khu vực, toàn cầu.
Nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ
Dương, ASEAN nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định
hình và cùng chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN theo Tầm nhìn đến 2025. Trên nền
tảng chung của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, ASEAN đang phát huy vai
trò và cùng các đối tác thúc đẩy xây dựng cục diện thế giới, khu vực hòa bình, ổn
định, hợp tác và phát triển, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp
Quốc.
ASEAN đã thiết lập và tiếp tục củng
cố mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, mong muốn cùng các đối tác xây dựng sự
chân thành, củng cố lòng tin, hành động có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác trên
cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của
nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, xử lý
các thách thức toàn cầu, trong đó có đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, bảo vệ
môi trường...
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là
một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt
Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ
động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế.
"Từ một quốc gia bị chia cắt
bởi cuộc chiến tranh phi lý, Việt Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc
lập, tự do và thống nhất đất nước", ông nói. "Từ một nước nghèo nàn,
lạc hậu, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung
bình và đang thực hiện mục tiêu phát triển đầy khát vọng".
Mục tiêu được Thủ tướng nêu ra là
đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng
hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát
triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở
thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên
định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát
triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước
trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam
luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường
lối đó.
Theo ông, "Việt Nam không chọn
bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên
tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, tất cả cùng có
lợi, cùng thắng". Việt Nam cũng sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các
khác biệt, bất đồng, bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối
quan tâm của các đối tác, quốc gia, cộng đồng quốc tế.
Trong giải quyết các tranh chấp,
xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông, Việt Nam luôn chủ
trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và
hàng không, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các
biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế,
nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam
đã viện trợ khẩu trang, vật tư y tế cho 51 quốc gia, trong đó có Mỹ, đóng góp
tài chính cho Chương trình Covax. Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao cộng đồng quốc
tế, trong đó có Mỹ, đã hỗ trợ cung cấp nguồn vaccine lớn, trang thiết bị y tế
cho Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát đại dịch, đặc biệt là việc Mỹ thành lập Văn
phòng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.
Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn
mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng
cố lòng tin, trách nhiệm của cả hai bên. "Để hoàn thành các mục tiêu phát
triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình. Muốn đi xa phải có bạn
bè", Thủ tướng nói khi đề cập đến quan hệ Việt - Mỹ.
Theo ông, Việt Nam và Mỹ đã đi được
quãng đường dài trong thể hiện sự chân thành, xây dựng lòng tin với nhau, trong
đó có nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông hoan nghênh và mong muốn Mỹ tiếp
tục nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh với Việt Nam, thông qua các dự án tẩy
độc dioxin, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn,
thúc đẩy hợp tác tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh.
Điểm lại những thành quả hợp tác về
chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh - quốc phòng và các vấn đề quốc tế, khu vực,
Thủ tướng cho rằng Việt - Mỹ đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ Đối
tác Toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều
sâu.
Ông nhấn mạnh ba lĩnh vực quan trọng
có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ,
chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vốn là những lĩnh vực có thế mạnh
hàng đầu thế giới của Mỹ.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng
Phạm Minh Chính nhấn mạnh chân thành, lòng tin và trách nhiệm là nhân tố chủ đạo
đưa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt - Mỹ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả
hơn trong những năm tới.
Trong phần hỏi đáp sau bài phát biểu,
khi được hỏi về tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở của chính
quyền Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng cho biết Việt Nam muốn hợp tác cùng Mỹ hiện
thực hóa 4 trụ cột trong các sáng kiến cho khu vực, bao gồm đảm bảo sự ổn định
của chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại số, chống biến đổi
khí hậu và hợp tác trong các vấn đề lao động, thuế và chống tham nhũng.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt
Nam sẵn sàng trao đổi thêm với Mỹ về nội hàm của 4 trụ cột sáng kiến để làm rõ
vai trò của Việt Nam trong tầm nhìn này, trên cơ sở đảm bảo lợi ích và mong muốn
của cả hai nước, đồng thời phục vụ hòa bình, phát triển và an ninh cho mọi quốc
gia trong khu vực.
Trả lời câu hỏi từ Viện Hòa bình tại
Washington về hợp tác Việt - Mỹ trong giải quyết các di sản chiến tranh, Thủ tướng
cho rằng quá trình này sẽ củng cố và bổ sung cho mọi phương diện khác của quan
hệ song phương.
Ông nhấn mạnh hai nước cần tiếp tục
tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng
còn Mỹ có lợi thế, trong đó chống biến đổi khí hậu và giải quyết bom mìn hậu
chiến tranh là những ví dụ điển hình. Thủ tướng nhận định quan hệ hai nước vẫn
còn rất nhiều dư địa và cơ chế mà các bên có thể cùng hợp tác phát triển.
Khi được hỏi về lộ trình và chính
sách then chốt của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng
"0" vào năm 2050 được đưa ra tại hội nghị COP26, Thủ tướng cho rằng
đây là vấn đề có tính chất toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu.
"Để đạt mục tiêu phát thải
ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng tôi phải giảm nhà máy phát thải carbon",
ông cho biết. "Nếu có sự giúp đỡ của các nước giàu, nhất là về công nghệ,
vốn, ổn định cuộc sống của nhân dân trong quá trình chuyển đổi, tôi tin chắc là
sẽ làm được".
0 Comments