Xuất siêu hàng nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng tăng gấp 3,2 lần

 

Trong 4 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm càphê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 31,8 tỷ USD, tăng 7% so với 4 tháng đầu năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 17,9 tỷ USD, tăng 15,6%; nhập khẩu khoảng 13,9 tỷ USD, giảm 2,3%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 4 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.



Riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước trên 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 4/2021, giảm 2,6% so với tháng 3/2022. Trong số đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính khoảng 1,9 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,6 tỷ USD, thủy sản đạt gần 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 29,7 triệu USD…

Như vậy, trong 4 tháng, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19%.

Đặc biệt, xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 883 triệu USD, tăng 70,7%, nhất là phân bón có giá trị xuất khẩu khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành nông nghiệp đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm càphê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ như: cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu càphê đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 59,4%; cao su đạt khoảng 869 triệu USD, tăng 10,9%; hồ tiêu khoảng 367 triệu USD, tăng 29,6%; sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD, tăng 29,5%; cá tra đạt 894 triệu USD, tăng 89,6%; tôm đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 38,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 4,5%; mây, tre, cói thảm đạt 339 triệu USD, tăng 22,7%.

Những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm gồm chè đạt 51 triệu USD, giảm 13,2%; nhóm hàng rau quả đạt khoảng 1,2 tỷ USD, giảm 14,6%; hạt điều ước đạt 889 triệu USD, giảm 6,7%.

Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á, chiếm 41% thị phần; châu Mỹ chiếm 29,7%; châu Âu là 12,8%. Còn lại là châu Phi và châu Đại Dương với thị phần lần lượt là 1,8% và 1,7%.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đạt gần 4,9 tỷ USD, chiếm 27,3% thị phần; trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

 

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 3,2 tỷ USD, chiếm 18,1% thị phần với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường. Bộ chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.

Đồng thời, tập trung đàm phán, hoàn thiện các thủ tục (đánh giá rủi ro, kiểm tra...) để thúc đẩy xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng bưởi, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi sang Mỹ.

Các đơn vị tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đến nay, đã có 2.033 mã sản phẩm được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tại các cửa khẩu; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc./.

Post a Comment

0 Comments